Những năm gần đây, bản thân Jackie quan sát thấy nhiều quán “Specialty Coffee” mọc lên ở Sài Gòn, điểm đặc trưng của những quán cà phê này là không gian quầy Bar rất đẹp, và khách có thể vừa ngồi thưởng thức cà phê vừa tương tác với những bạn pha chế tại quán. Một sự phát triển rất tích cực cho thị trường cà phê trong nước, và cho cả người tiêu dùng.
Vậy Specialty Coffee hay Cà Phê Đặc Sản nghĩa là gì? Tạm hiểu Cà Phê Đặc Sản là hạt cà phê có nguồn gốc từ những vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp, giống cây tốt, thu hái trái chín, sơ chế và bảo quản đúng phương pháp, để khi hạt cà phê được rang đúng, lúc chiết xuất sẽ cho ra những hương vị tuyệt vời và độc đáo. Tạm tóm tắt định nghĩa chỉ vài dòng, nhưng làm được điều này thì cần tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng chung tay lại.
Người yêu cà phê có thể tìm hiểu thêm về cà phê đặc sản, và các nông trại có sản phẩm cà phê đạt chuẩn “Specialty Coffee” tại cổng thông tin: www.caphedacsanvietnam.vn
Vậy giá thành Cà Phê Đặc Sản có cao không? Giá cả của những dòng cà phê đặc sản thông thường được định giá bởi Nhà sơ chế hay gọi là đơn vị chủ quản của loại cà phê đó. Mỗi một năm, các nhà sơ chế cà phê sẽ nghiên cứu phương thức phù hợp để sơ chế cà phê của họ. Số điểm chính là biểu trưng cho thành quả, do đó cà phê đặc sản về nguyên tắc sẽ không quá cao, nhưng cà phê mà “đoạt giải của một cuộc thi nào đó” thì giá sẽ …. cao hơn bình thường khá nhiều.
Người tiêu dùng có cần thiết phải uống Cà Phê Đặc Sản không? Có chứ, nên uống và uống thường xuyên nữa, vì chỉ có như vậy người làm ra cà phê đặc sản mới thấy công sức họ bỏ ra được ghi nhận, từ đó họ nỗ lực làm ra nhiều sản phẩm cà phê chất lượng cao hơn, góp phần nâng tầm chất lượng cà phê tại Việt Nam trong tương lai.